Viết mục tiêu bài học

Viết mục tiêu bài học

(Image: Freepik)

“Mục tiêu” được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống cũng như trong hoạt động giáo dục. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu (trình bày được) và thực hiện được việc viết mục tiêu tốt (ở đây giới hạn trong lĩnh vực giáo dục).

Để viết mục tiêu tốt, ngoài việc hiểu (trình bày được) còn cần kinh nghiệm. Bài viết này chỉ trình bày về mặt kiến thức và một số ví dụ mà tôi đọc được. Về phần kinh nghiệm có lẽ chỉ có tự trải nghiệm mới tích lũy được (bản thân tôi không phải là một chuyên gia về vấn đề này). Thực tế, nhiều khi người ta cũng chỉ viết đối phó nên cũng không cần tốt!?

Mục tiêu là gì?

Theo từ điển tiếng Việt:
Mục tiêu (danh từ) là: chỗ, điểm để nhắm vào
Ví dụ: bắn trúng mục tiêu; phát hiện đúng mục tiêu
Mục-tiêu-bài-học
Theo từ điển Hán – Nôm (Trung tâm Công nghệ Thông tin Thừa Thiên Huế):
1. Cái đích nhắm.
2. Tiêu chuẩn (muốn đạt tới, trong công việc hoặc kế hoạch).
3. Địa khu hoặc địa điểm mà quân đội muốn tiêu diệt hoặc đánh chiếm.

Như vậy có thể hiểu: Mục tiêu trong giáo dục là cái đích nhắm đến của hoạt động giáo dục.
Mục tiêu khác với mục đích: mục đích thường chỉ cái chung chung, không rõ ràng – trong khi mục tiêu là cụ thể, rõ ràng.

Theo Robert F. Mager [1], bản chất của mục tiêu trong giáo dục là “những gì người học có thể làm được”, tức là kết quả đầu ra (outcomes). Mà theo Benjamin S. Bloom [2] thì gồm: kiến thức, kỹ năng, thái độ của học sinh, tức là mục tiêu giáo dục được mô tả bởi ba lĩnh vực là kiến thức, kỹ năng, thái độ.

Lưu ý rằng: mục tiêu giáo dục là những gì người học có thể làm được sau khi học, chứ không phải nội dung khóa học hay những gì giáo viên dự định sẽ làm.

Cấp độ mục tiêu trong giáo dục 

  1. Mục tiêu tổng quát: Mục tiêu của chương trình đào tạo
  2. Mục tiêu trung gian: Mục tiêu của môn học/mô-đun
  3. Mục tiêu cụ thể: Mục tiêu phần/bài học

Tại sao cần viết đúng mục tiêu? 

  • Giới hạn nội dung dạy và học: Đây là yếu tố cơ bản nhất của mục tiêu. Mục tiêu được mô tả bởi kiến thức, kỹ năng, thái độ mà học sinh sẽ đạt được sau khi học, từ đó giúp cho các đối tượng liên quan (học sinh, phụ huynh, giáo viên, nhà trường) thống nhất mục tiêu và có cơ sở chính xác để xác định phương pháp thực hiện (tương ứng với 4 đối tượng trên là: phương pháp học, phương pháp giám sát, phương pháp dạy, phương pháp đảm bảo chất lượng).
  • Giúp học sinh định hướng học tập.
  • Giúp giáo viên xác định chính xác nội dung giảng dạy (thống nhất).
  • Giúp đảm bảo chất lượng đào tạo (đánh giá đúng, đủ đối với học sinh và giáo viên).

Mục tiêu gồm có những gì? 

Theo Robert F. Mager [1]: Mục tiêu gồm ba thành phần là:
  1. Một hoạt động (a performance): thực hiện bởi người học.
  2. Các điều kiện (conditions): trong các điều kiện đó người học thực hiện hoạt động trên.
  3. Tiêu chí đánh giá (criteria): các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện hoạt động trên, hay nói cách khác là người học thực hiện hoạt động trên ở mức độ nào.
Như vậy, mục tiêu trả lời ba câu hỏi:
  1. Người học sẽ thực hiện được hoạt động gì (sau khi học xong)?
  2. Người học thực hiện hoạt động đó trong điều kiện nào?
  3. Kết quả thực hiện của người học như thế nào (ở mức độ nào)?
Mager cũng cho rằng: không nhất thiết phải có đặc tính thứ hai (điều kiện) và thực tế không phải lúc nào cũng cần phải chỉ ra đặc tính thứ ba (tiêu chí đánh giá) nhưng nếu có đầy đủ thì mục tiêu sẽ tốt hơn.

Hoạt động (performance)

Mager lưu ý: hoạt động (performance) nêu ra ở đây phải là hoạt động mà người khác có thể chứng kiến được (là người học thực hiện được hay không). Mager đưa ra hai hoạt động sau:
  1. Có thể viết một bài báo
  2. Có thể phát triển sự đánh giá âm nhạc
Hoạt động 1 là một hoạt động phù hợp trong viết mục tiêu vì người khác có thể thấy được người học thực hiện được hoạt động này hay không. Hoạt động 2 là một hoạt động mà người khác không thể thấy được người học có đạt được hay không (làm sao ta biết một người khác đã phát triển khả năng đánh giá âm nhạc của họ hay không?)!

Điều kiện (conditions)

Điều kiện cho người học biết rằng (nguyên văn của Magner):
  • Tôi có thể dùng những gì để thực hiện hoạt động trên? Ví dụ: Cho 100 que tăm và một tuýp keo, hãy làm một cái cầu treo.
  • Những gì tôi không được phép dùng? Ví dụ: Viết bảng cửu chương mà không dùng máy tính.
  • Thực hiện hoạt động đó trong hoàn cảnh nào? Ví dụ: Chạy 100m trên một cánh đồng lầy lội.
Mager cũng lưu ý: Không nhất thiết luôn phải có điều kiện, nhưng nếu có thì tốt hơn.

Tiêu chí đánh giá (criteria)

Mô tả mức độ thực hiện hoàn thành hoạt động của người học. Ví dụ:
  • Xác định được 4 trong số 5 khuyết tật sản phẩm trên dây chuyền  sản xuất đang hoạt động.
  • Đóng được 10 hộp trong 1 phút.
Mager cũng lưu ý: Thực tế không nhất thiết luôn phải có tiêu chí đánh giá, nhưng nếu có thì tốt hơn.

Mức độ thực hiện hoạt động

Theo Benjamin S. Bloom[3], một hoạt động  (cần đánh giá) có thể mô tả qua ba lĩnh vực: kiến thức, kỹ năng và thái độ.
Từ tiếng Anh gốc của B. Bloom là: 1) cognitive – nhận thức (about knowing); 2) affective – tình cảm, cảm xúc (about attitudes, feelings); 3) psychomotor – tâm vận (about doing).
Mỗi trong ba lĩnh vực trên, B. Bloom liệt kê các mức độ thực hiện khác nhau và được tóm tắt trong bảng dưới đây [2] (phía cuối bảng là thấp, phía trên bảng là cao):

MỨC ĐỘ THỰC HIỆN
Kiến thức Thái độ Kỹ năng
Đánh giá (evaluation) Tập hợp giá trị (characterization by a value complex) Tự nhiên hóa (naturalization)
Tổng hợp (synthesis)
Phân tích (analysis) Tổ chức (organisation) Liên kết (articulation)
Vận dụng (application) Hình thành giá trị (valuing) Làm chuẩn xác (precision)
Thông hiểu (comprehension) Đáp ứng (responding) Thao tác (manipulation)
Nhận biết (knowledge) Tiếp thu (receiving) Bắt chước (imitation)

Vài gợi ý sử dụng động từ khi viết mục tiêu [4]

1/ Đối với kiến thức: 

  • Mức nhận biết: nêu lên; trình bày; phát biểu; kể lại; liệt kê; nhận biết; chỉ ra; mô tả; định nghĩa; gọi tên;…
  • Mức thông hiểu: xác định; so sánh; phân biệt; phát hiện; phân tích; tóm tắt; đánh giá; cho ví dụ;…
  • Mức vận dụng: giải thích; chứng minh; liên hệ; vận dụng; xây dựng; giải quyết;…

2/ Đối với kỹ năng:

Viết được, vẽ được, đo được; lập được, tính được; làm được; thực hiện được; tổ chức được; thu thập được; làm thí nghiệm; phân loại được;…

3/ Đối với thái độ:

Tuân thủ; thán thành/đồng ý/ủng hộ; phẩn đối; hưởng ứng; chấp nhận; bảo vệ; hợp tác;… 

Một vài ví dụ viết mục tiêu (sưu tầm) 

  1. Bài lý thuyết “Một số chất dinh dưỡng có trong thức ăn và vai trò của chúng đối với cơ thể” (sách hướng dẫn dạy môn Khoa học lớp 4 giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ): Học xong bài này người học sẽ có khả năng:
    – Sắp xếp được thức ăn hằng ngày vào nhóm thức ăn có nguồn gốc động vật hoặc nhóm thức ăn có nguồn gốc thực vật;
    – Phân loại được thức ăn dựa vào lượng các chât dinh dưỡng chứa trong mỗi loại thức ăn;
    – Kể được tên những thức ăn có chứa nhiều chất đạm, chất bột đường, chất béo, các vi-ta-min, chất khoáng, chất xơ.
    – Trình bày được vai trò của chất đạm, chất bột đường, chất béo, các vi-ta-min, chất khoáng, chất xơ và nước đối với cơ thể.
  2. Bài lý thuyết: “Đảng công sản Việt Nam ra đời” (sách hướng dẫn dạy học môn Lịch sử lớp 5 giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ): Học xong bài này người học sẽ có khả năng:
    – Nêu được bối cảnh lịch sử dẫn đến sự thành lập của Đảng Công sản Việt Nam;
    – Nêu được vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong quá trình thành lập Đảng;
    – Trình bày được ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng;
    – Có tình cảm và lòng biết ơn đối với lãnh tụ Nguyễn Ái quốc, có niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
  3. Bài lý thuyết “Nước” (sách hướng dẫn dạy môn Hóa học lớp 8 bổ túc THCS): Học xong bài này người học có thể:
    – Trình bày được thành phần định tính, định lượng của nước;
    – Trình bày được tính chất vật lý của nước;
    – Viết được các phương trình hóa học thể hiện tính chất của nước;
    – Trình bày được các nguyên nhân làm ô nhiễm nguồn nước và biện pháp phòng, chống ô nhiễm;
    – Có ý thức sử dụng nguồn nước ngọt và giữ cho nguồn nước không bị ô nhiễm.
  4. Bài thực hành “Đo huyết áp” (nghề Điều dưỡng): Học xong bài này người học sẽ có khả năng:
    – Đo huyết áp của bệnh nhân thật (hoặc bệnh nhân giả định) trong tua thăm bệnh nhân thường lệ, trong thời gian 5 phút. Kết quả đo phải trong phạm vi sai số ±2 mmHg so với kết quả đo của giáo viên;
    – Huyết áp ngoài phạm vi bình thường phải báo ngay cho y tá trưởng;
    – Kết quả đo huyết áp phải được ghi rõ ràng trên phiếu bệnh nhân.
  5. Bài tích hợp “Chiết cành”: Học xong bài này người học sẽ có khả năng:
    – Trình bày được trình tự thao tác chiết cành;
    – Nêu được tác dụng của một số loại thuốc kích thích ra rễ đối với cành chiết;
    – Chiết được cành cho 2 loài cây ăn quả theo đúng qui trình và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật đã nêu trong phiếu “Tiêu chuẩn thực hiện công việc”.

Việc viết mục tiêu bài học không dễ, hy vọng rằng bài viết này cung cấp được một phần nào đó kiến thức cho việc viết mục tiêu bài học (được tốt hơn).

Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.convergencetraining.com/blog/robert-magers-performance-based-learning-objectives
[2] http://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/H%E1%BB%87_th%E1%BB%91ng_ph%C3%A2n_lo%E1%BA%A1i_c%C3%A1c_m%E1%BB%A5c_ti%C3%AAu_c%E1%BB%A7a_Bloom
[3] https://lvluat.wordpress.com/2014/02/23/he-thong-phan-loai-cac-muc-tieu-cua-bloom-st/
[4] Nguyễn Đăng Trụ (viện Chiến lược và Chương trình giáo dục, Bộ GD&ĐT), bài giảng Biên soạn mục tiêu bài dạy, https://nvspdn.files.wordpress.com/2013/11/bien-soan-muc-tieu-bai-day.pdf.
[5] Nguyễn Hương Lan, Nguyễn Thị Bích Liên (2016), Nâng cao năng lực lập kế hoạch dạy học của giáo viên giáo dục thường xuyên,  NXB Giáo dục.

Có thể tham khảo thêm tại:
[1] http://www.cdkttctn.edu.vn/kinhte-taichinh-thainguyen/tin-tuc/tabid/89/CatID/147/ArticleID/2527/Default.aspx
[2] http://cdhh.edu.vn/?p_id=tin&id=ky-thuat-viet-muc-tieu-bai-giang-508
[3] https://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/L%E1%BB%B1a_ch%E1%BB%8Dn_c%C3%A1ch_d%E1%BA%A1y_th%C3%ADch_h%E1%BB%A3p

Nguồn: https://lvluat.wordpress.com/2017/06/13/viet-muc-tieu-bai-hoc/
Next Post Previous Post
No Comment
Add Comment
comment url